Tính toán các bảng dữ liệu là công năng chính của Excel và chúng ta thường phải làm điều này dựa vào các công thức. Công thức là các phương trình thực hiện các tính toán khác nhau trong các bảng tính. Mặc dù Microsoft giới thiệu thêm nhiều hàm mới qua các năm nhưng khái niệm công thức bảng tính Excel vẫn giống nhau trong tất cả các phiên bản Excel 2016, Excel 2013, Excel 2010, Excel 2007 và thấp hơn.
- Tất cả các công thức Excel bắt đầu với một dấu bằng (=).
- Sau dấu bằng, bạn nhập hoặc là phép tính hoặc hàm. Ví dụ: để cộng các giá trị trong các ô từ B1 tới B5, bạn có thể:
- Gõ toàn bộ phương trình: = B1 + B2 + B3 + B4 + B5
- Sử dụng hàm SUM: = SUM (B1: B5)
- Nhấn phím Enter để hoàn thành công thức.
Trong một công thức Excel thì hàm là yếu tố quan trọng nhất giúp bạn tính toán chính xác. Chính vì vậy, việc nắm rõ những hàm cơ bản, thường xuyên sử dụng là một trong các thủ thuật Excel quan trọng cho dân văn phòng. Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số hàm tính toán cơ bản trong Excel nhé!
Hàm đếm
Bạn có một bảng tính với cơ sở dữ liệu khổng lồ và cần biết có bao nhiêu ô trong một vùng nào đó hay trong toàn bộ bảng tính chỉ chứa chữ số, không chứa chữ cái. Thay vì phải ngồi đếm một cách thủ công thì bạn có thể sử dụng hàm =COUNT. Ví dụ, bạn cần đếm từ ô C6 đến C14, hãy gõ =COUNT(C6:C14). Ngoài ra còn có hai hàm khác là:
Hàm COUNTA
- Cú pháp: COUNTA(Value1, Value2…).
- Các tham số: Value1, Value2… là mảng hay dãy dữ liệu.
- Chức năng: Hàm đếm tất cả các ô chứa dữ liệu.
- Ví dụ: =COUNTA(A4:D9) đếm các ô chứa dữ liệu trong dãy từ ô A4 đến ô D9.
Hàm COUNTIF
- Cú pháp: COUNTIF(Range, Criteria).
- Các tham số:
- Range: dãy dữ liệu các bạn muốn đếm.
- Criteria: điều kiện, tiêu chuẩn cho các ô đếm.
- Chức năng: Hàm đếm các ô chứa giá trị theo điều kiện cho trước.
- Ví dụ: =COUNTIF(A1:A5,”>9″) đếm tất cả các ô từ A1 đến A5 có chứa số lớn hơn 9.
Hàm tính tổng
Hàm SUM
Hàm SUM trong Excel thường được sử dụng để tính tổng các đối số trên bảng tính. Sử dụng hàm Sum trong Excel giúp bạn tiết kiệm khá nhiều thời gian và công sức so với cách tính thủ công thông thường.
- Cú pháp: SUM(Number1, Number2..).
- Các tham số: Number1, Number2… là các số cần tính tổng.
- Ví dụ: =SUM(A2:B2) tính tổng các giá trị từ ô A2 đến ô B2.
Hàm SUMIF
Nếu bạn muốn tính tổng các ô được chỉ định bởi những tiêu chuẩn đưa vào thì bạn sử dụng hàm SUMIF.
- Cú pháp: SUMIF(Range, Criteria, Sum_range).
- Các tham số:
- Range: Là dãy số mà các bạn muốn xác định.
- Criteria: Điều kiện, tiêu chuẩn các bạn muốn tính tổng (có thể là số, biểu thực hoặc chuỗi).
- Sum_range: Là các ô thực sự cần tính tổng.
- Ví dụ: =SUMIF(A1:A5,”green”,B1:B5) tính tổng các ô từ B1 đến B5 với điều kiện giá trị trong cột từ A1 đến A5 là green.
Hàm SUMPRODUCT
- Cú pháp: SUMPRODUCT(Array1,Array2,Array3…).
- Các tham số: Array1: bắt buộc, đối số mảng đầu tiên mà bạn muốn nhân các thành phần của nó rồi cộng tổng. Array2, Array3… tùy chọn, các đối số mảng từ 2 đến 255 mà bạn muốn nhân các thành phần của nó rồi cộng tổng.
- Chức năng: Lấy tích của các dãy đưa vào, sau đó tính tổng các tích đó.
Lưu ý: Các đối số trong các dãy phải cùng chiều, nếu không hàm sẽ trả về giá trị lỗi #VALUE.
Hàm tính giá trị trung bình
Hàm AVERAGE
- Cú pháp: AVERAGE(Number1, Number2…).
- Các tham số: Number1, Number2… là các số cần tính giá trị trung bình.
- Chức năng: Trả về giá trị trung bình của các đối số.
Hàm MIN/MAX
Hàm MAX và hàm MIN thường được sử dụng để tìm giá trị lớn nhất, nhỏ nhất của các đối số hay vùng dữ liệu.
Hàm MAX
- Cú pháp: MAX(Number1, Number2…).
- Các tham số: Number1, Number2… là dãy mà các bạn muốn tìm giá trị lớn nhất ở trong đó.
- Chức năng: Hàm trả về số lớn nhất trong dãy được nhập.
- Ví dụ: =MAX(E4:E9) đưa ra giá trị lớn nhất trong các ô từ E4 đến E9.
Hàm MIN
- Cú pháp: MIN(Number1, Number2…).
- Các tham số: Number1, Number2… là dãy mà bạn muốn tìm giá trị nhỏ nhất ở trong đó.
- Chức năng: Hàm trả về số nhỏ nhất trong dãy được nhập vào.
Hàm ngày tháng
Hàm DAYS
Hàm DAYS là hàm tính số ngày giữa 2 ngày trong Excel, thường dùng để tính số năm làm việc, hoạt động…
- Cú pháp: DAYS(end_date, start_date).
- Các tham số:
- end_date: Là ngày kết thúc muốn xác định số ngày, là tham số bắt buộc.
- start_date: Là ngày đầu tiên muốn xác định số ngày, là tham số bắt buộc.
Chú ý
- Nếu end_date và start_date đều có dạng số -> hàm dùng EndDate – StartDate để tính số ngày giữa 2 ngày này.
- Nếu end_date và start_date ở dạng văn bản hàm tự động chuyển sang định dạng ngày bằng cách sử dụng hàm DATEVALUE(date_text) rồi tính toán.
- Nếu đối số vượt ngoài phạm vi của ngày tháng năm -> hàm trả về giá trị lỗi #NUM!
- Nếu đối số dạng văn bản mà không thể chuyển sang định dạng ngày hợp lệ -> hàm trả về giá trị lỗi #VALUE!
Hàm NETWORKDAYS
Thay vì dùng cách thủ công như đếm tay để tính số ngày làm việc. Excel hỗ trợ cho bạn một hàm NETWORKDAYS tính số lượng ngày làm việc toàn thời gian giữa hai ngày một cách chính xác, nhanh gọn.
Cú Pháp: NETWORKDAYS(start_date,end_date,[HOLIDAYS])
Ví dụ: Trong hình dưới đây, chúng ta sử dụng hàm NETWORKDAYS tính số ngày làm việc với ngày bắt đầu là 23/01/2013, ngày kết thúc là 18/02/2013, trong đó bao gồm cả ngày nghỉ. Công thức là =NETWORKDAYS(B4,C4).
Hàm NOW
Nếu bạn muốn hiển thị ngày và thời gian hiện tại trên trang tính hoặc muốn tính toán dựa trên thời gian hiện tại thì hàm NOW là giải pháp dành cho bạn.
Cú Pháp: NOW ()
Chú ý
- Cú pháp hàm NOW không sử dụng đối số.
- Kết quả của hàm NOW được cập nhật khi bạn thực hiện một công thức hoặc edit một ô giá trị chứ không cập nhật liên tục.
Hàm tra cứu và tham chiếu
Hàm VLookup
Hàm VLookup dùng để tìm kiếm các giá trị trong cột ngoài cùng bên trái của bảng và trả về giá trị trong cùng một hàng từ cột khác mà bạn chỉ định. Cú pháp: VLOOKUP(ô chứa giá trị tìm kiếm, vùng bảng chứa giá trị tìm kiếm và trả về,cột chứa giá trị trả về), có thể thêm đối số thứ 4 như ví dụ dưới.
Hàm VLookup tìm ID (104) trong cột ngoài cùng bên trái của dải $E$4:$G$7 và trả về giá trị trong cùng một hàng từ cột thứ 3 (đối số thứ 3 được chỉ định là 3). Đối số thứ 4 đặt là FALSE để trả lại kết quả chính xác hoặc lỗi #N/A nếu không tìm thấy.
Bạn chỉ cần thực hiện trên 1 ô, sau đó kéo hàm VLookup xuống dưới để áp dụng cho các hàng bên dưới. Vì vùng tham chiếu giữ nguyên nên phải dùng $ trước các ký hiệu để tạo tham chiếu tuyệt đối.
Hàm HLookup
Hàm HLookup là hàm excel nâng cao dùng dò tìm một giá trị ở dòng đầu tiên của một bảng dữ liệu. Nó sẽ trả về giá trị ở cùng trên cột với giá trị tìm thấy trên hàng mà chúng ta chỉ định. Hàm HLookup thường dùng để điền thông tin vào bảng dữ liệu lấy từ bảng dữ liệu phụ. Cú pháp HLOOKUP(giá trị tìm kiếm, bảng giá trị tìm kiếm, số thứ tự hàng cần lấy, phạm vi tìm kiếm).
Ví dụ:
Để tìm kiếm giá trị Mã đơn vị của bảng tham chiếu và cho ra kết quả Đơn vị tương ứng với mức thưởng đó chúng ta làm như sau:
Ta có: HLOOKUP(A2:A4;$A$6:$D$7;2;1)
Trong đó:
- A2:A4: là địa chỉ Mã đơn vị đối chiếu với dòng đầu tiên của bảng tham chiếu
- $A$6:$D$7: là địa chỉ tuyệt đối của bảng tham chiếu (các bạn chú ý không lấy tiêu đề nhé)
- 2: dòng đơn vị là dòng thứ 2 của bảng tham chiếu
- 1: dòng đầu tiên của bảng tham chiếu đã sắp xếp theo chiều tăng dần (ngầm định)
Kết quả nhận được như sau:
Trên đây chỉ là những hàm Excel cơ bản nhất thường được dùng trong văn phòng. Để có thể ứng dụng tốt Excel vào trong công việc, chúng ta không chỉ nắm vững được các hàm mà còn phải sử dụng tốt cả các công cụ của Excel, chính vì vậy, bạn cần phải thường xuyên luyện tập để ghi nhớ và thuần thục cách sử dụng của các hàm này.
Chúc bạn thành công.