Khi nào và làm thế nào để chống phân mảnh ổ đĩa cứng trên Windows 10?
Theo thời gian, các tập tin trên ổ đĩa cứng của bạn sẽ bị phân mảnh, và máy tính của bạn sẽ ngày một “chậm dần” vì phải “check” các tập tin ở nhiều vị trí khác nhau trên ổ đĩa cứng. Để máy tính chạy nhanh hơn và mượt hơn, bạn có thể sử dụng các công cụ có sẵn trên Windows 10 để chống phân mảnh các tập tin.
Việc chống phân mảnh tự động đồng nghĩa với việc để kéo dài tuổi thọ và hiệu suất của ổ đĩa của bạn.
Cũng giống như Windows 8 và Windows 7, Windows 10 cũng tự động chống phân mảnh các tập tin theo một lịch trình (theo mặc định, mỗi tuần một lần). Tuy nhiên, không phải lúc nào các công cụ cũng tự động chạy và chạy liên tục. Nếu để ý bạn sẽ thấy các tập tin load rất lâu hoặc sau 1 tháng (có thể lâu hơn) bạn sẽ nhìn thấy các ổ đĩa trên hệ điều hành Windows phân mảnh như thế nào?
Một điểm lưu ý về Solid State Drives (SSD): ổ SSD làm việc khác hơn so với ổ đĩa cứng truyền thống. Ổ SSD không cần phân mảnh. Tuy nhiên, Windows cũng chống phân mảnh ổ SSD mỗi tháng một lần nếu cần thiết và nếu System Restore được kích hoạt.
Chống phân mảnh là gì?
Theo thời gian, các khối dữ liệu (fragment) tạo nên file có thể trở nên phân tán ở nhiều vị trí xung quanh bề mặt ổ cứng. Đây được gọi là hiện tượng phân mảnh. Chống phân mảnh di chuyển tất cả các khối đó để chúng nằm gần nhau trong không gian vật lý, điều này có khả năng tăng tốc thời gian đọc khi truy cập dữ liệu trên ổ đĩa. Tuy nhiên, với các máy tính hiện đại, chống phân mảnh không còn là điều cần thiết như trước đây. Windows tự động chống phân mảnh ổ cơ học và không cần thiết phải chống phân mảnh với ổ SSD.
Tuy nhiên, sẽ không có hại gì nếu giữ cho ổ của bạn hoạt động theo cách hiệu quả nhất có thể. Bạn cũng có thể cần phải chống phân mảnh các ổ cứng ngoài được kết nối qua USB, vì chúng có thể không được cắm vào khi Windows chạy tính năng chống phân mảnh tự động.
Chống phân mảnh có bắt buộc không?
Câu trả lời ngắn gọn là không. Chống phân mảnh là không cần thiết. Nhưng nó có đáng thực hiện không? Bài viết sẽ nói với bạn rằng điều đó rất xứng đáng, nhưng quyết định cuối cùng phụ thuộc vào mức độ bạn coi trọng máy tính và thời gian của mình.
Vấn đề là, Windows 10 có khả năng tự chăm sóc máy tính của bạn. Ngay cả khi bạn không muốn thực hiện chống phân mảnh theo cách thủ công, hệ điều hành của bạn vẫn sẽ thực hiện thao tác chống phân mảnh cho bạn. Máy tính của bạn sẽ tiếp tục hoạt động tốt miễn là bạn không bỏ lỡ lần bảo trì theo lịch trình.
Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy mọi thứ đang bắt đầu chậm lại hoặc tự coi mình là một người dùng thành thạo và muốn kiểm soát nhiều hơn những gì đang diễn ra với hoạt động bên trong máy tính của mình, các bước sau sẽ cung cấp cách thực hiện điều đó cho bạn.
Tại sao và khi nào cần chống phân mảnh Windows 10?
Liên tục lưu file sẽ đặt các phần của file đó vào các volume khác nhau trên PC. Khi file phát triển, nhiều phần trong số đó sẽ bị phân tán giữa các volume, buộc máy tính phải tìm kiếm qua nhiều khu vực và làm chậm máy tính.
Ngoại trừ SSD, quá trình chống phân mảnh ổ đĩa nên được thực hiện hàng tuần hoặc ít nhất là mỗi tháng một lần. Một lần nữa, điều này được xác định bởi dung lượng ổ cứng và việc sử dụng máy tính hàng ngày của bạn.
Như đã nêu, Windows 10 cung cấp cho người dùng công cụ chống phân mảnh ổ đĩa giúp sắp xếp lại và thống nhất dữ liệu file bị phân mảnh đang làm chậm PC.
Cách tối ưu hóa ổ trong công cụ Optimize Drives
1. Thực hiện bước 2 (ribbon File Explorer) hoặc bước 3 (thuộc tính ổ) hoặc bước 4 (Settings) bên dưới để biết cách bạn muốn mở Optimize Drives.
2. Tối ưu hóa ổ từ ribbon File Explorer:
A) Mở This PC trong File Explorer (Win + E).
B) Chọn bất kỳ ổ cứng nào, nhấp vào tab Drive Tools Manage, chọn nút Optimize trong ribbon và chuyển đến bước 5 bên dưới.
3. Tối ưu hóa ổ từ Properties:
A) Mở This PC trong File Explorer (Win + E).
B) Nhấp chuột phải hoặc nhấn và giữ trên bất kỳ ổ cứng nào, rồi chọn Properties.
C) Nhấp vào tab Tools, chọn Optimize và chuyển sang bước 5 bên dưới.
4. Tối ưu hóa ổ từ Settings:
A) Mở Settings và nhấp vào biểu tượng System.
B) Nhấp vào Storage ở phía bên trái, nhấn vào liên kết Optimize Drives trong phần More storage settings ở phía bên phải và chuyển sang bước 5 bên dưới.
5. Chọn một ổ bạn muốn hoặc cần tối ưu hóa và nhấp vào nút Optimize.
- Bạn có thể chọn một ổ và nhấp vào nút Analyze để xem nó có cần được tối ưu hóa hay không.
- Nếu ổ bị phân mảnh hơn 10%, thì nó nên được tối ưu hóa.
- Việc tối ưu hóa ổ có thể mất từ vài phút đến vài giờ để hoàn thành, tùy thuộc vào kích thước ổ và mức độ tối ưu hóa cần thiết.
- Bạn vẫn có thể sử dụng PC của mình trong quá trình tối ưu hóa.
Bắt đầu với Windows 10 build 20241, Microsoft sẽ thực hiện một số thay đổi đối với Optimize Drives.
– Thêm hộp kiểm Advanced View mới để liệt kê tất cả các volume, bao gồm cả những volume bị ẩn. Xin lưu ý rằng Microsoft vẫn đang thiết lập và chạy công cụ này, vì vậy bạn sẽ thấy hộp kiểm trong bản build này, nhưng có thể không nhận thấy bất kỳ sự khác biệt nào khi nhấp vào nó.
– Liệt kê thêm chi tiết trong cột “Current status” khi các volume không có sẵn để chống phân mảnh (ví dụ: “Partition type not supported” và “File system type not supported”).
– Thêm hỗ trợ nhấn F5 để refresh.
Tối ưu hóa ổ trong Command Prompt
1. Thực hiện bước 2 hoặc bước 3 bên dưới tùy thuộc vào cách bạn muốn chạy lệnh defrag.
2. Để chạy defrag trong Command Prompt trên Windows 10, hãy mở Command Prompt với quyền admin và chuyển sang bước 4 bên dưới.
3. Để chạy defrag trong Command Prompt khi boot, hãy mở Command Prompt khi boot. Gõ diskpart vào Command Prompt và nhấn Enter. Nhập list volume vào Command Prompt và nhấn Enter.
Ghi lại ký tự ổ mà bạn muốn tối ưu hóa. Ký tự ổ không phải lúc nào cũng giống khi boot như trong Windows.
D) Nhập exit vào Command Prompt, nhấn Enter và chuyển sang bước 4 bên dưới.
4. Nhập lệnh bên dưới mà bạn muốn sử dụng vào Command Prompt và nhấn Enter.
Các lệnh thường được sử dụng:
defrag C: /O
Thay thế C: trong lệnh bằng ký tự ổ bạn muốn.
Hoặc:
defrag /C /O
Dùng cho tất cả các ổ HDD và SSD.
Cú pháp:
defrag <volumes> | /C | /E <volumes> [<task(s)>] [/H] [/M [n] | [/U] [/V]] [/I n]
Trong đó <task(s)> bị bỏ qua (defrag truyền thống), hoặc như sau: /A | [/D] [/K] [/L] | /O | /X.
Hay để theo dõi một hoạt động đang diễn ra trên một volume:
defrag <volume> /T
Tham số:
Giá trị | Mô tả |
/A | Thực hiện phân tích trên các volume được chỉ định. |
/B | Thực hiện tối ưu hóa khởi động để chống phân mảnh boot sector của boot volume. Điều này sẽ không hoạt động trên SSD. |
/C | Thực hiện thao tác trên tất cả volume. |
/D | Thực hiện chống phân mảnh truyền thống (đây là tùy chọn mặc định). |
/E | Thực hiện thao tác trên tất cả các volume, ngoại trừ những volume được chỉ định. |
/H | Chạy hoạt động ở mức ưu tiên bình thường (mặc định là thấp). |
/I n | Tối ưu hóa tier (tầng) sẽ chạy trong nhiều nhất n giây trên mỗi volume. |
/K | Thực hiện Slab Consolidation trên các volume xác định. |
/L | Thực hiện retrim trên các volume được chỉ định. Chỉ cho SSD. |
/M [n] | Chạy thao tác trên từng volume song song trong nền. Tối đa n luồng tối ưu hóa song song các tầng lưu trữ. |
/O | Thực hiện tối ưu hóa thích hợp cho từng loại phương tiện. |
/T | Theo dõi một hoạt động đã được tiến hành trên volume được chỉ định. |
/U | Xuất tiến trình của hoạt động trên màn hình. |
/V | Xuất đầu ra dài có chứa thống kê phân mảnh. |
/X | Thực hiện hợp nhất không gian trống trên các volume được chỉ định. |
Tối ưu hóa ổ trong PowerShell
1. Mở PowerShell với quyền admin.
2. Thực hiện bước 3 (phân tích), bước 4 (tối ưu hóa), bước 5 (TRIM), bước 6 (chống phân mảnh) bên dưới, tùy thuộc vào lệnh bạn muốn sử dụng.
3. Để phân tích việc tối ưu hóa ổ hiện tại, nhập lệnh bên dưới vào PowerShell, nhấn Enter và chuyển sang bước 7 bên dưới.
Optimize-Volume -DriveLetter <drive letter> -Analyze –Verbose
Phân tích volume được chỉ định cho thống kê phân mảnh. Chỉ thực hiện phân tích và báo cáo trạng thái tối ưu hóa hiện tại của volume.
Thay thế <drive letter> trong lệnh trên bằng ký tự ổ thực tế mà bạn muốn phân tích.
Ví dụ:
Optimize-Volume -DriveLetter C -Analyze -Verbose
4. Để tự động TRIM hoặc chống phân mảnh ổ sao phù hợp, nhập lệnh bên dưới vào PowerShell, nhấn Enter và chuyển sang bước 7 bên dưới.
Optimize-Volume -DriveLetter <drive letter> -Verbose
Tự động thực hiện tối ưu hóa thích hợp (TRIM hoặc chống phân mảnh) cho ổ.
Thay thế <drive letter> trong lệnh trên bằng ký tự ổ thực tế mà bạn muốn tối ưu hóa.
Ví dụ:
Optimize-Volume -DriveLetter C -Verbose
5. Để TRIM một ổ SSD, nhập lệnh bên dưới vào PowerShell, nhấn Enter và chuyển sang bước 7 bên dưới.
Optimize-Volume -DriveLetter <drive letter> -ReTrim -Verbose
Tạo TRIM và Unmap hint cho tất cả các sector hiện chưa được sử dụng của volume, thông báo cho bộ nhớ rằng các sector đó không còn cần thiết và có thể được xóa. Điều này có thể khôi phục dung lượng không sử dụng trên các ổ.
Thay thế <drive letter> trong lệnh trên bằng ký tự thực của ổ SSD mà bạn muốn TRIM.
Ví dụ:
Optimize-Volume -DriveLetter C -ReTrim -Verbose
6. Để chống phân mảnh ổ cứng (không sử dụng lệnh này trên ổ SSD), nhập lệnh bên dưới vào PowerShell, nhấn Enter, và chuyển sang bước 7 bên dưới.
Optimize-Volume -DriveLetter <drive letter> -Defrag -Verbose
Cho biết cmdlet bắt đầu chống phân mảnh trên volume được chỉ định. Chống phân mảnh hợp nhất các vùng bị phân mảnh của file để cải thiện hiệu suất đọc hoặc ghi tuần tự.
Thay thế <drive letter> trong lệnh trên bằng ký tự thực tế của ổ cứng bạn muốn chống phân mảnh.
Ví dụ:
Optimize-Volume -DriveLetter C -Defrag -Verbose
7. Khi hoàn tất, bạn có thể đóng PowerShell nếu muốn.
Chúc các bạn thành công!